Cấu tạo và hoạt động Kính_hiển_vi_quang_học

Hình ảnh một kính hiển vi với số đánh thể hiện vị trí các bộ phận.

Một kính hiển vi quang học gồm có nhiều bộ phận, có thể chia thành các phần như sau:

  • Nguồn sáng;
  • Hệ hội tụ và tạo chùm sáng song song;
  • Giá mẫu vật;
  • Vật kính (có thể là một thấu kính hoặc một hệ thấu kính) là bộ phận chính tạo nên sự phóng đại;
  • Hệ lật ảnh (lăng kính, thấu kính);
  • Thị kính là thấu kính tạo ảnh quan sát cuối cùng;
  • Hệ ghi ảnh.

Như hình ảnh ở bên, các phần (theo đánh số) có thể được mô tả như sau:

1. Thị kính: Có thể từ một đến 2 thấu kính thủy tinh cho phép tạo ra ảnh cuối cùng của vật qua hệ quang học. Độ phóng đại của thị kính khá nhỏ, thường chỉ dưới 10x, và được lắp đặt trong một ống trụ, cho phép thay đổi dễ dàng.

2. Giá điều chỉnh vật kính.

3. Vật kính: là thấu kính quan trọng nhất của các hệ tạo ảnh nhờ thấu kính, là một (hoặc có thể là hệ nhiều thấu kính) có tiêu cự ngắn, cho phép phóng đại vật với độ phóng đại lớn. Nhờ có giá điều chỉnh, các vật kính khác nhau có thể xoay để thay đổi trị số phóng đại. Trên vật kính có thể ghi các trị số phóng đại 4x, 5x, 10x, 20x, 40x, 50x hay 100x. Trong một số vật kính đặc biệt, người ta có thể sử dụng dầu nhằm tăng độ phân giải của hệ thống.

4, 5. Giá vi chỉnh, cho phép điều chỉnh độ cao của mẫu vật để lấy nét trong quá trình tạo ảnh.

6. Giá đặt mẫu vật

7. Hệ thống đèn, gương... tạo ánh sáng để chiếu sáng mẫu vật.

8. Hệ thống khẩu độ, và các thấu kính hội tụ để hội tụ và tạo ra chùm sáng song song chiếu qua mẫu vật.

9. Vi chỉnh cho phép dịch chuyển mẫu vật theo chiều ngang để quan sát các phần khác nhau theo ý muốn.

Kính hiển vi quang học hoạt động hoàn toàn trên nguyên tắc khúc xạ ánh sáng qua hệ các thấu kính thủy tinh. Vật kính, là loại thấu kính có tiêu cự ngắn, là bộ phận chính tạo nên sự phóng đại ảnh của mẫu vật. Ảnh tạo ra qua thấu kính này là ảnh thật, và ngược chiều so với vật mẫu ban đầu. Ảnh được quan sát ở thị kính chỉ được lật đúng chiều nhờ hệ thấu kính (hoặc lăng kính) trung gian đóng vai trò hệ lật ảnh. Tùy theo cách thức quan sát, ghi nhận ảnh mà ảnh được tạo ra ở thị kính có thể là ảnh thật hoặc ảnh ảo. Ảnh này sẽ là ảnh ảo khi hệ thị kính được thiết kế để quan sát trực tiếp bằng mắt thường, hoặc sẽ là ảnh thật khi hệ thị kính được ghép vào các thiết bị ghi nhận như phim quang học hoặc CCD camera.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kính_hiển_vi_quang_học http://www.antique-microscopes.com http://www.currentprotocols.com/protocol/cy1202 http://www.microbehunter.com/ http://www.musoptin.com/mikro1.html http://www.struers.com/default.asp?top_id=5&main_i... http://www.substech.com/dokuwiki/doku.php?id=metal... http://www.under-microscope.com/light_microscope_o... http://micro.magnet.fsu.edu/primer/anatomy/anatomy... //dx.doi.org/10.1097%2F00006123-199804000-00116 http://nobelprize.org/educational_games/physics/mi...